Canh tác Nếp cái hoa vàng Đại Thắng

Trồng trọt

Thời vụ gieo trồng nếp cái hoa vàng bắt đầu vào tháng 6 hàng năm. Gieo mạ từ ngày 15-20/6 dương lịch; cấy từ 20/6 đến 25/7.

Lựa chọn những hạt giống trước ngâm ủ đảm bảo chất lượng (khô, sạch, chắc mẩy, đồng nhất về kích cỡ; không bị lẫn giống khác, cỏ và tạp chất; không có hạt đen, lép, dị dạng; không sâu, mọt, không mang mầm bệnh) với số lượng đảm bảo 1-1,2 kg/sào Bắc bộ đem ngâm trong thời gian khoảng 20 giờ. Sau đó thay nước, đãi hạt giống sạch nước chua và tiếp tục ngâm lần hai.

Sau 20 giờ ngâm, thay nước, đãi chua và cho hạt giống vào bao tải thông thoáng, thoát nước để tiến hành ủ ở nơi thoáng mát. Trong quá trình ủ phải buộc chặt miệng bao. Sau khi ủ được 12-14 giờ, tiến hành ngâm tiếp lần 3 khoảng 10-12 giờ để hạt no nước rồi lại đãi sạch đem ủ. Trong quá trình ủ, định kỳ vảy nước và trộn đảo hạt để hạt nảy mầm đều. Khi hạt đã nhú mầm thực hiện xen kẽ "ngày ngâm, đêm ủ" để phát triển cân đối mầm và rễ.

Thời kỳ mạ non (từ khi gieo đến khi mạ 3 lá), mặt luống phải được giữ ẩm để rễ mạ phát triển thuận lợi. Khi mạ 4 lá đến khi nhổ cấy luôn đảm bảo mực nước trong ruộng 2–3 cm. Phun thuốc trừ cỏ cho ruộng mạ sau khi gieo mạ từ 24-50 giờ, theo dõi và phòng trừ sâu bệnh phát sinh trên ruộng mạ.

Cấy lúa thẳng hàng với mật độ từ 35-40 khóm/m2,1-2 dảnh/khóm; cấy 10 hàng để cách 30 cm tạo các ô rộng 2,5 m phục vụ cho quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và khử lẫn.

Mực nước khi cấy đảm bảo 4–5 cm để mạ nhanh bén rẽ. Từ sau cấy đến đẻ nhánh hữu hiệu, đảm bảo mực nước trong ruộng từ 4–5 cm; thời kỳ cuối đẻ nhánh (giai đoạn cổ lá trùng nhau) tháo nước để lộ mặt ruộng trong 3-5 ngày để hạn chế các nhánh vô hiệu; thời kỳ làm đòng đến chín sữa, duy trì mực nước trong ruộng từ 5–10 cm; thời kỳ lúa đỏ đuôi, tháo kiệt nước cho lúa cứng cây.

Khi cây lúa bén rễ hồi xanh tiến hành làm cỏ kết hợp với sục bùn và bón thúc. Mục đích để diệt cỏ dại, vùi phân tránh mất đạm, bổ sung ô xy cho rễ, làm đứt rễ già và kích thích ra rễ mới. Trường hợp không làm cỏ, sục bùn thì phải tiến hành phun thuốc trừ cỏ.

Về phân bón, mỗi sào lúa cần bón lót 300–350 kg phân chuồng, 18 kg phân superlân, 1,8 kg urê. Thời kỳ đẻ nhánh (10-15 ngày sau khi cấy), bón thúc l3kg urê; 2,7 kg Kali clorua kết hợp với sục bùn kỹ. Bón đón đòng (40 ngày sau khi cấy) là 2,7 kg KCl và 1 kg Urê.

Thu hoạch

Khi 85-90% số hạt trên bông chín (thông thường sau trỗ khoảng 28-30 ngày) là thời gian tốt nhất để thu hoạch lúa. Sau gặt, đập, phơi thóc theo kỹ thuật sáng phơi, chiều ủ (phơi từ 11 giờ sáng đến 2 giờ chiều, sau đó ủ thóc từ 2-4 giờ bằng cách cào gọn thành đống), trong quá trình phơi thường xuyên đảo thóc. Phơi đủ số giờ nắng (thường phơi 5 nắng) để hạt gạo trắng đều. Sau khi thóc đã được phơi khô, làm sạch (quạt sạch trấu, hạt lép) và đóng bao bảo quản nơi khô ráo. Thóc để lâu cần đóng bao lót nilon hoặc bảo quản trong chum, vại... để chống ẩm, giữ độ thơm và phòng trừ chuột, bọ phá hoại.

Năng suất

Mặc dù là giống lúa thuần, tuy nhiên nhờ kỹ thuật chọn giống tốt, cùng với việc áp dụng những tiến bộ tiến tiến trong canh tác, từ nhiều năm nay, nếp cái hoa vàng Đại Thắng vẫn cho năng suất ổn định, đạt trên 1,8 tạ/sào. Nhờ chất lượng gạo thơm, dẻo khi nấu thành xôi, người trồng nếp cái hoa vàng luôn có thu nhập cao hơn 2-3 lần so với các giống lúa nếp khác, và cao hơn 4 lần so với lúa tẻ. Hiện nay, thu nhập bình quân 1 sào nếp cái hoa vàng đạt 2,5 triệu đồng.

Các yếu tố cấu thành nên năng suất của nếp cái hoa vàng Đại Thắng:

- Chiều cao thân 124,5 cm. Thời gian sinh trưởng thuộc nhóm dài ngày, biến động từ 157-160 ngày.

- Số bông trung bình: 195,92 bông/m2, 8,16 bông/khóm. Chiều dài bông 20,19 cm.

- Số hạt trung bình 137,33 hạt/bông; 126,77 hạt chắc/bông; mật độ sếp hạt 7,26 hạt/cm. Tỷ lệ lép thấp 7,73%.

- Năng suất: trọng lượng 1000 hạt 25,5 gam, năng suất thực thu 47,8-55,5tạ/ha. Tỷ lệ gạo xay đạt trên 80%.

Nếp cái hoa vàng Đại Thắng cho năng suất cao nhất so với nếp cái hoa vàng ở các địa phương khác, đạt 49-55 ha (tương ứng 1,8-1,9 kg/sào).[11] Nếp cái hoa vàng Đông Triều, Quảng Ninh, một sản phẩm đã được cấp chỉ dẫn địa lý đạt 46-47 tạ/ha.[12] Nếp cái hoa vàng tại Kinh Môn, Hải Dương (nơi đầu tiên bảo tồn, phục tráng giống lúa này) đạt 41-44 tạ/ha (1,5-1,6 kg/sào).[13] Nếp cái hoa vàng tại Thái Bình đạt 41-42 tạ/ha.[9] Nếp cái hoa vàng tại Thanh Oai, Hà Nội đạt 47-50 tạ/ha.[10] Nếp cái hoa vàng tại Bắc Giang đạt 37-40 tạ/ha.[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nếp cái hoa vàng Đại Thắng http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/128663/nep-ca... http://baothaibinh.com.vn/4/22097/Tran_tro_xay_dun... http://danviet.vn/nha-nong/deo-thom-nep-cai-hoa-va... http://haiphong.gov.vn/Portal/Detail.aspx?Organiza... http://hatrung.thanhhoa.gov.vn/portal/Pages/2015-1... http://hpstic.vn/news/Hoan-thanh-xay-dung-nhan-hie... http://www.casrad.org.vn/index.php?mact=News,cntnt... http://www.vaas.org.vn/bao-ton-phuc-trang-thanh-co... http://www.quangninhtv.vn/channel/5986/201511/nep-... http://www.quochoitv.vn/cau-chuyen-nong-thon/2015/...